Bida là một trong những bộ môn “khó chơi khó bỏ” đối với nhiều anh em. Trong quá trình giao lưu thi đấu, không ít anh em gặp phải vấn đề như: “sụi cơ”, đánh dở bất thường, đường bi không như ý, tẹt cơ, nhảy bi ra khỏi bàn,… Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và túi tiền của anh em. Chúng ta thường gọi là “đóng học phí lãng xẹt”. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có liên quan nhiều đến cách chọn cơ bida sao cho phù hợp. Hôm nay, Cọp Cơ Billiard hướng dẫn anh em một số lưu ý quan trọng khi chọn cơ đánh bida.
Cho anh em nào lười đọc bài dài:
- Chọn cơ cầm lên thấy “đầm tay” không quá nặng không quá nhẹ
- Không nên chọn cơ có giá trị quá cao (tùy điều kiện tài chính của anh em) vì nếu chơi lâu dài, anh em sẽ thay đổi qua cơ khác khi trình độ kỹ thuật lên cao
- Của bền tại người, không hẳn cứ cơ giá rẻ sẽ nhanh cong vênh hư hỏng. Chủ yếu anh em nắm bắt được kiến thức chọn cơ sẽ sử dụng lâu dài được. (Để nắm bắt thì anh em đọc kỹ bài này nhé)
Tại sao nên có cơ bida riêng?
Khi đến Câu Lạc Bộ (CLB), có lẽ cụm từ “Cơ củi” không mấy xa lạ đối với nhiều anh em. Cơ củi là những cây cơ CLB mua với giá rẻ để phục vụ khách hàng đại trà. Đặc điểm của những cây cơ này thường thấy là:
- Đầu cơ cứng, móp méo, nhiều khi lệch ra khỏi ngọn cơ.
- Cơ bida bị cong, lăn trên bàn thì nhảy như dancer.
- Cây thì quá nặng, cây thì quá nhẹ.
Điều này anh em không thể trách CLB được, mỗi CLB mở ra đều mong muốn tạo sân chơi cho anh em, tuy nhiên nhiều anh em không biết bảo quản cơ bida dẫn đến nhiều phiền toái cho CLB. Thường thấy là các hành động như đập mạnh cán cơ xuống sàn, thậm chí là đập cơ lên bàn. Nếu CLB cho anh em sử dụng cơ này thì nguy cơ là đóng cửa sớm vì không bù nổi chi phí mua cơ mới.
Và thường thì những cây “cơ củi” sẽ làm giảm đi độ chính xác trong cú đánh của anh em, khi đường bi đi lệch thì: “Sai một ly, đi tính tiền bàn”
Khi chọn cơ bida cần lưu ý điều gì?
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại cơ, nào là chất gỗ, trọng lượng, kích thước ngọn, hãng sản xuất, nhãn hiệu đầu cơ, ngọn đặc ngọn rỗng,…. Quá nhiều thông tin sẽ gây nhiễu đến anh em, vì vậy chúng ta sẽ cùng đi từng bước nhé.
Cân nặng của cây cơ
Có những con số chúng ta thường nghe như: 430gam, 450gam, 480gam, 520gam,… Khi được bạn bè tư vấn chọn cơ, anh em thường nghe theo và mua theo bởi vì không có cơ sở nào khác để chọn. Tuy nhiên đều này thường mang lại cho anh em nhiều điều bất lợi.
Như chúng ta cũng biết về “cơ địa”, thể trạng mỗi người khác nhau dẫn đến khối lượng cây cơ cũng sẽ khác nhau. Cùng là 2 người cầm một cây cơ, có người sẽ nói nó nặng, có người sẽ nói nó nhẹ. Sự nặng nhẹ của một cây cơ quyết định rất nhiều đến cú đánh. Cùng là một cú Rétro, chọn cùng một ép-phê nhưng có người đánh bi hồi về theo đường thẳng, có người đánh bi cong nhẹ rồi mới hồi về. Khi mới chơi bộ môn này, việc đầu tiên của anh em là cách ra cơ đúng. Sau đó cảm nhận cú đánh và điều chỉnh. Vì vậy, việc quan trọng KHÔNG NẰM Ở CÂY CƠ CÓ KHỐI LƯỢNG BAO NHIÊU mà quan trọng ở điểm CẦM CÂY CƠ CÓ ĐẦM TAY HAY KHÔNG.
Chọn cơ bida quá nhẹ?
Một cây cơ nhẹ sẽ giúp anh em tiết kiệm rất nhiều thể lực trong những trận đánh dài. Bạn tưởng tượng mình phải cầm cây cơ 1/2kg đi vòng vòng trong 2-3h đồng hồ thì sẽ rất mỏi, khác gì tập tạ đâu. Tuy nhiên, để điều khiển được một cây cơ nhẹ, anh em phải có một nền tảng kỹ thuật tương đối tốt để có thể đánh ra cú đánh như ý.
Khi mới tập đánh bida, anh em sẽ chưa thể cảm nhận được cú đánh của mình ngay, vì vậy Cọp Cơ khuyên anh em không nên chọn cây cơ quá nhẹ.
Chọn cơ bida quá nặng?
Một cây cơ nặng sẽ giúp cú đánh của anh em có lực hơn, quán tính phát ra từ cây cơ đến trái bi chủ sẽ có lực hơn. Giúp anh em có cú đánh “béng” hơn. Tuy nhiên, việc chơi một cây cơ quá nặng khi chưa có nền tảng kỹ thuật tốt cũng gây ra nhiều phiền toái cho anh em như:
- Không cảm nhận được cách phát cơ chính xác, không nghiệm ra được kỹ thuật.
- Một số cú đánh yêu cầu độ chính xác cao, anh em chưa luyện kỹ thuật sẽ gây ra sai lệch lớn thậm chí làm bi nhảy ra khỏi bàn.
- Cơ quá nặng và anh em dùng quá nhiều lực sẽ bào mòn thể lực của anh em.
Các cao thủ hiện nay đa phần sử dụng cơ nặng, điều này giúp họ có những cú đánh “béng” hơn, cộng với việc am hiểu cú đánh sẽ giúp họ tiết kiệm rất nhiều thể lực.
Vậy kết luận ban đầu:
- Anh em nên chọn cơ bida vừa tay, không quá nặng cũng không quá nhẹ. Đừng vội quan tâm đến thông số về khối lượng.
- Sau khi cảm thấy đã hiểu kỹ thuật nên chọn cơ nhẹ (tới đoạn này là tập dắt ken nè kakaka)
- Đến khi cảm thấy serie không tăng lên được nữa thì hãy thử chọn một cây cơ nặng nhé.
Uy tín của nhà bán hàng
Khi anh em đến nơi bán hàng có tâm, uy tín và được nhiều anh em tin tưởng thì xác suất có một cây cơ ngon cũng cao hơn.
Chất liệu của cây cơ
Nói về chất liệu thì có rất nhiều loại nhưng quy lại thì chỉ có hai loại là Cơ gỗ và Cơ Carbon :).
Cơ gỗ thì hằng hà sa số các loại gỗ: Gỗ mun, gỗ chun campuchia, gỗ marble mỹ, marble canada, marble chị na, gỗ da báo, gỗ cẩm, gỗ,…. Chủ yếu khác nhau là ở mắt thẩm mỹ anh em, có người thích vân gỗ này có người thích vân gỗ kia,…
Cơ Carbon thì được cái màu đen quyến rũ huyền bí sâu thẳm và thêm cái nữa là nó khó cong hơn so với cơ gỗ. Như đã nói của bền tại người, nó có cao cấp đến đâu mà anh em “xài hao” quá thì nó cũng tã thôi.
Tùy chất liệu gỗ khác nhau thì giá của nó cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, không phải là độ bền nó như nhau đâu nhé. Có loại gỗ sinh ra để làm cơ, cũng có loại gỗ sinh ra để làm… bàn ghế. Tuy nhiên, để tham khảo thì Cọp Cơ có đưa ra mức giá từ thấp đến cao để anh em dễ lựa chọn:
- Gỗ dòng cơ phổ thông: Gỗ Marble, Gỗ Chun Campuchia, Gỗ da báo, …
- Gỗ dòng cơ cao cấp: Gỗ cẩm, Marble Canada,… (mai mốt Cọp Cơ sẽ bổ sung thêm nhé)
Độ bền của gỗ dựa vào 2 yếu tố:
- Tuổi gỗ và phương pháp xử lý gỗ: Khi gỗ đủ tuổi, xưởng xử lý sấy kỹ thì sẽ bền vững theo thời gian. Còn nhiều xưởng lấy gỗ non tuổi (giá rẻ) rồi sấy nhẹ thì dăm ba bữa nó cong queo hoặc không may mắn thì nó nứt luôn.
- Cách bảo quản: Khi anh em bỏ trong bao liên tục, kết hợp giữa cái ẩm của khí hậu nước ta kết hợp cái nóng trong bao cơ thì nó cũng cong queo thôi. Nếu cơ lâu không sử dụng, anh em nên bỏ gói hút ẩm vào bao cơ nhé.
Phần này, để chọn cây cơ có chất liệu gỗ tốt thì nên lựa chọn những cơ sở sản xuất uy tín hoặc các cửa hàng uy tín. (Nếu anh em mến Cọp Cơ thì có thể ủng hộ bên mình, đổi trả 7 ngày nếu cong vênh do lỗi nhà sản xuất nghen, quảng cáo xíu xiu hehehe)
Cán cơ
Một số cây cơ thường được làm rỗng đáy để anh em có thể “nhét ốc” vào cho nặng thêm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệp của Cọp Cơ thì không nên, vì quan trọng nhất của một cây cơ là trọng lượng dồn hợp lý từ ngọn đến cán. Bây giờ bỏ thêm con ốc vào cán cơ thì nó sẽ nặng phần cán và phá đi sự ổn định trong cân nặng cây cơ.
Chọn cán cơ thì anh em nên chọn cây cán có 3 yếu tố này:
- Đẹp mắt. Rõ ràng, khi vô quán ăn, món ăn đẹp thì ăn cũng ngon hơn mà héng. Cán cơ thì ngoài chất liệu gỗ ra còn hai loại đó là: Cán cẩn và cán sơn. Cán cẩn là cán được đính vỏ ốc, vỏ sò, sắt thép, họa tiết, đá phong thủy,… để làm cho cây cơ đẹp hơn. Tùy tay nghề của nghệ nhân mà độ tinh xảo càng cao giá càng cao. Cán sơn thì đơn giản là được sơn lên. Chú ý lớp sơn, nếu nghệ nhân giỏi họ sẽ sơn đẹp và ít có lỗi. Còn nếu thấy sơn qua loa thì tốt nhất anh em cũng nên né đi cho chắc cú.
- Độ thẳng: Chỉ đơn giản là anh em lăn cán trên bàn, nếu nó không nhảy như Dancer thì là thẳng tắp rồi. Nhiều anh em kỹ lưỡng hơn như là chiếu đèn Flash điện thoại xuống mặt bàn, nếu không lọt tia sáng qua thì là thẳng. Cọp Cơ không phàn nàn về điều này, nhưng nếu anh em thông cảm cho nhà sản xuất thì anh em cũng biết đấy, cơ giá trị càng cao thì tay nghề nghệ nhân mới cao được. Còn dòng 2-3 triệu đổ lại mà anh em yêu cầu phải thẳng được như vậy thì cũng không ổn lắm.
Ngọn cơ, phuýp và đầu cơ
Phần này đa phần ít anh em để ý đến nhưng nó lại quyết định khá nhiều đến cú đánh của anh em. Đa phần ngọn ở nước ta sử dụng là ngọn Marble. Nếu loại tốt thì anh em cứ Marble Canada mà oánh.
Ngọn cơ có hai loại là ngọn đặc và ngọn cơ bida trợ lực. Anh em mới chơi thì nên dùng ngọn đặc thôi, Cọp Cơ mong muốn anh em hiểu rõ cú đánh, việc nhờ sự trợ giúp sẽ khiến trải nghiệm của anh em không được hoàn thiện hoàn toàn.
Kích thước ngọn cơ:
- Ngọn 12mm: Dùng cho anh em chơi Pool đánh điều bi và các anh em đánh 3C (3 băng)
- Ngọn 11.5mm: Dùng cho anh em đánh Libre hay còn gọi là bida phăng. Anh em không nên lấy cơ có ngọn nhỏ đánh lực lớn (chơi 3C hoặc Pool), ngọn nhỏ đánh lực lớn thì nó sẽ dễ cong lắm
- Ngọn 13mm: Chủ yếu dùng cho anh em đánh bida lỗ, đánh cú phá bi ban đầu ý.
Chọn Phuýp cơ: Phần này anh em cứ chọn phuýp thương hiệu lớn mà chọn (adam, longoni, kamui,…) Phuýp họ sản xuất là dạng ép bằng máy có áp suất cao, lấy búa đập còn không móp được nữa là. Né phuýp trôi nổi ra là được rồi, phuýp khó hư lắm. Nếu anh em ngại thì cứ ghé Cọp Cơ, bảo hành Phuýp suốt đời.
Đầu cơ: Các đầu phổ biến là đầu R, đầu Adam, đầu Kamui, đầu kamui kiếng, đầu sasaki, đầu buffalo,… Cái này nó kiểu hệ “tâm linh” có người thích dùng đầu này, có người dùng đầu khác hợp. Đầu cơ rất dễ thay, anh em cứ trải nghiệm thoải mái.
Trên đây là kiến thức chọn cơ bida cho người mới. Bài viết là quan điểm cá nhân và không có ý công kích ai. Mong rằng sẽ giúp ích được cho anh em. Chúc anh em mau lên cơ.
Ủng hộ cọp cơ bằng cách mua cơ bida nhé. Cảm ơn anh em
Cọp Cơ – Cơ bida dành cho Cọp